Hơn thập niên qua, trên thế giới điều trị dinh dưỡng theo mô thức dinh dưỡng dược cho thấy ảnh hưởng tích cực trong tiến trình điều trị các bệnh lý khác nhau như điều trị các vết thường khó lành, bỏng, bệnh nhân phẫu thuật, bệnh nhân bị ung thư.
Dinh dưỡng đầy đủ và hiệu quả không chỉ dựa vào việc cung cấp bao nhiêu năng lượng (calorie), mà còn dựa trên một số dưỡng chất dược (pharmaconutrient). Các dưỡng chất này có thể tác động dương hoặc âm lên kết quả lâm sàng giống như bất kỳ một loại thuốc nào.
Tiến bộ của dinh dưỡng trị liệu
Ngày nay, với nền tảng cung cấp đầy đủ năng lượng, đạm và các chất dinh dưỡng khác nhằm đáp ứng những thay đổi về chuyển hóa thì dinh dưỡng không chỉ được xem là hỗ trợ mà trong nhiều trường hợp còn có vai trò như điều trị nhờ vào sự phát triển của ngành dinh dưỡng và khái niệm về dinh dưỡng dược, “pharmaconutrition” ra đời. Các dưỡng chất dược có nguồn gốc là các Axit amin (Glutamin, Arginine, HMB- ß-Hydroxy- ß-Methylbutyrate) hay Axit béo thiết yếu Omega 3.
Ở nhiều bệnh lý cấp tính như chấn thương, phẫu thuật, nhiễm trùng hay bỏng, do những thay đổi sâu sắc về chuyển hóa dẫn đến các kho dự trữ cho cơ thể bị thiếu hụt nhanh chóng, tác động đáng kể đến chức năng hoạt động tế bào, chức năng miễn dịch… các dưỡng chất Axit amin trở nên thiết yếu và cần phải được bổ sung từ ngoài vào. Ngược lại ở bất kỳ tình trạng sức khỏe nào thì Axit béo Omega 3 luôn cần phải được cung cấp vì cơ thể không thể tự tổng hợp được. Việc bổ sung các Axit amin đặc biệt hay Axit béo Omega 3 trong bệnh lý từ nhiều nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy hiệu quả trong điều trị một số bệnh lý đặc hiệu.
Dinh dưỡng dược trong điều trị các bệnh lý đặc hiệu
Bên cạnh biện pháp điều trị, dinh dưỡng dược cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh lý đặc hiệu. Như trong diễn tiến lành vết thương, chúng giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, duy trì hay khôi phục các kho dưỡng chất dự trữ và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. Trong đó, nhiều nghiên cứu về vai trò các axit amin như Glutamine, Arginine, HMB cho thấy có tác động tích cực đối với quá trình lành vết thương trong một số bệnh lý chuyên biệt như sau chấn thương, phẫu thuật, bỏng hay vết loét lâu lành do tì đè, loét bàn chân trong bệnh đái tháo đường… Các dưỡng chất này thúc đẩy sự tăng trưởng và tổng hợp mô, như làm gia tăng tổng hợp collagen, đồng thời tăng cường chức năng miễn dịch làm giảm biến chứng nhiễm trùng…giúp vết thương chóng lành.
Đối với bệnh ung thư, bên cạnh yếu tố tâm lý, cản trở cơ học, tác dụng phụ của điều trị khối ung thư thì suy mòn trong ung thư là hậu quả của phản ứng viêm toàn thân gây chán ăn và làm thoái biến các chất dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể như phân giải khối cơ xương, khối mỡ gây sụt cân, suy kiệt trong tiến trình bệnh. Ngoài biện pháp điều trị ung thư thì những biện pháp điều trị hỗ trợ khác rất quan trọng, trong đó dinh dưỡng phù hợp với bệnh nhân sẽ góp phần không nhỏ trong hiệu quả điều trị. Đặc biệt khi đó dưỡng chất đặc biệt như EPA (Eicosapentaenoic acid), một Axit béo không bão hòa Omega 3 thiết yếu, là một dưỡng chất dược đối với bệnh nhân ung thư, sẽ giúp làm giảm bớt phản ứng viêm, giảm tác động của các yếu tố gây phân giải protein. Liều EPA theo khuyến cáo của Hiệp hội Dinh dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Hoa Kỳ (ASPEN) là 2g/ngày. Bên cạnh tác dụng kháng viêm của EPA thì chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, đạm và các chất dinh dưỡng khác cho bệnh nhân ung thư sẽ giúp người bệnh cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, tổng hợp khối nạc, khối cơ cho cơ thể, giúp hạn chế biến chứng do suy dinh dưỡng.
TS. Lưu Ngân Tâm
Chủ tịch Hội dinh dưỡng lâm sàng TPHCM, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Chợ Rẫy
|
|